Thông tư 27 liệu có giúp nhân dân “hết sợ” các chiến sĩ công an?
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BCA về quy định các quy tắc ứng xử của Công an nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, không làm những việc trái với thuần phong mỹ tục, đương lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Những “con sâu” trong ngành Công an
Lực lượng công an nhân dân có sứ mệnh làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, an ninh trật tự – xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ từ “bên trong” – chính là nhân dân. Từ khi mới thành lập cho tới nay, nguồn gốc và sức mạnh của lực lượng công an nhân dân chưa bao giờ không nằm ngoài thế trận lòng dân. Người dân chính là niềm tin cho những bước trưởng thành của lực lượng công an nhân dân.
Bằng niềm tin đó, mà ngành công an ra đời để phục vụ cho nhân dân, tính mạng, tài sản của nhân dân. Đem lại cuộc sống bình yên, không có nạn trộm cướp, khi bị đe dọa, hỏa hoạn, án mạng,… thì người dân đều biết đến trình báo công an và đặt trọn niềm tin để tìm ra những uẩn khúc, những mặt trái trong xã hộ và quan trọng nhất là đem đến công bằng cho cuộc sống.
Nhưng vì nhiệm vụ cao cả, quyền lực được Nhà nước trao, nhiều cán bộ ngành công an từ đó mà biến chất, thái hóa, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để uy hiếp người dân, xem người dân là công cụ hỗ trợ và khai thác tối đa những lợi ích kinh tế.
Không ít những hình ảnh gây bức xúc vô cùng lớn trong dư luận thời gian qua, từ cán bộ công an dùng nhục hình gây chết người ở TP. Tuy Hòa (Phú Yên), đến cảnh sát khu vực Công an phường Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội), nhổ nước bọt vào mặt dân. Từ anh cảnh sát giao thông bụng phệ trông yếu ớt, ì ạch đến hình ảnh Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh làm luật ở “cửa ngõ” sân bay Tân Sơn Nhất…
- Những hình ảnh này cần hơn bao giờ hết trong cuộc sống hiện nay.
Tất nhiên là cũng không thể phủ nhận công lao trong tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, các chuyên án ma túy, xã hội đen, thảm án, giết người, cướp của… được hy sinh bởi bao thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ ngành công an.
Đơn cử như, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47), thành lập đến nay được 20 năm, nhưng để có những chiến công, phá được các vụ án thì có tới 22 cán bộ chiến sĩ, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ bị thương và nhiều cán bộ, chiến sĩ đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm HIV/AIDS.
Rồi những hình ảnh cảnh sát giúp người dân đẩy xe qua chỗ ngập nước, đưa người bị lạc về quê, cùng tiếp sức mùa thi cho các sĩ tử… Những nghĩa cử đẹp và đơn giản của người công an nhân dân đẹp đến thế, nhưng không phải ai trong ngành công an cũng có thể làm được.
Câu chuyện học sinh đổ sô vào thi các trường ngành công an với 30,5 điểm cũng là một câu hỏi. Vì sao ngành công an lại được ưa chuộng và yêu thích đến thế? Phải chăng ngành này có công ăn việc làm ổn định, hay là vì ai cũng muốn được “hưởng” lợi lộc từ sức mạnh vũ trang sau khi ra trường? Phải chăng minh chứng đó cho thấy ngành công an đang có vấn đề?
Từ lâu, câu chuyện người chiến sĩ công an thực hiện nhiệm vụ thi hành pháp luật, giữa một “rừng luật” cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu thì một số người lại tự “làm luật” cho riêng mình. Thế nên chương trình Táo quân mới phải ra câu châm biếm không thể chính xác hơn: “Măn ni măn nì măn ni, chỉ cần như thế, không cần xem giấy tờ… chỉ cần như thế không cần mất thì giờ”.
Thông tư 27 cần thiết, thiết thực và cần phải thực hiện đồng bộ
Thông tư số 27/2017/TT-BCA quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân. Trong tổng số 16 điều trên, thì đã có 10 điều liên quan đến nội dung ứng xử, bao quát toàn bộ nội dung hoạt động của người chiến sĩ công an.
Thông tư số 27/2017/TT-BCA chính thức có hiệu lực từ ngày 6/10/2017 và được áp dụng đối với tất cả cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, (từ Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên các học viện, nhà trường).
Từ quy tắc ứng xử chung, đến nội bộ; từ nơi cư trú đến nơi công cộng; từ nhân dân tới gia đình… Có thể nói là cụ thể hóa trong từng hoạt động nhiệm vụ, hoạt động cá nhân của người cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an.
Nhưng có một vấn đề ở đây đó chính là, liệu những quy tắc này có thừa hay không?
Khi mà 6 điều Bác dạy, 5 lời thề và 10 điều kỷ luật mà mỗi chiến sĩ Công an nhân dân cần nhớ đều có phần liên quan đến quy tắc ứng xử. Đó là chưa kể các quy định, nội quy, các văn bản thông tư, hướng dẫn, điều lậnh,… khác đều có nội dung liên quan. Vậy phải chăng, ngoài việc đặt ra các quy tắc trên, chúng ta cần có các biện pháp có sức “răn đe” phù hợp để đưa ngành công an vào khuôn mẫu nói chung, đưa người chiến sĩ công an có quy tắc ứng xử phù hợp nói riêng.
Xã hội luôn có quy tắc đào thải, môi trường làm việc nào cũng có người tốt kẻ xấu, và ngành Công an thì không thể ngoại lệ như vậy. Đặc biệt đó là cơ quan nắm quyền lực vũ trang, rất dễ dàng có thể “móc túi”, được của người dân.
Vì vậy, nêu cần đưa những quy tắc này đi kèm các hình thức răn đe phù hợp, để người chiến sĩ Công an thay đổi hành vi và quan niệm “làm luật”. Hãy tạo nên sự công bằng trong xã hội, bằng việc để một vài “con sâu” có thể bị nhặt ra khỏi lá, để cây mãi xanh, lực lượng công an nhân dân mãi trưởng thành, vững mạnh và là niềm tin của nhân dân.
Cuộc sống hiện đại bao nhiêu, thì tệ nạn xã hội tăng nhanh bấy nhiêu. Người dân hơn bao giờ hết, cần lắm những chiến sĩ công an chân chính – những người đúng nghĩa là bảo vệ nhân dân – thay vì sợ người công an. Người dân cần những người làm cho tội phạm khiếp sợ – thay vì họ phải run lẩy bẩy mỗi lần đến trụ sở công an. Người dân cần lắm cảm giác an tâm trong cuộc sống hằng ngày – thay vì sợ cả chính những người chiến sĩ công an mỗi lần “ghé thăm”.
Đó là nhiệm vụ của ngành công an, là trách nhiệm của mỗi chiến sĩ Công an nhân dân. Để cho từ “chiến sĩ Công an” không tác rời 2 chữ “nhân dân”. Đã đến lúc Thông tư 27 cần phải đẩy mạnh và đưa ngành công an vào đúng chuẩn mực. Để đúng với câu nói là Tuyên ngôn của ngành công an, của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân: “Vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ”.